Product Backlog: Danh sách các công việc quan trọng của sản phẩm

Product Backlog: Danh sách các công việc quan trọng của sản phẩm

Product Backlog là gì?

Product Backlog là nơi lưu trữ danh sách các tính năng mong muốn cho một sản phẩm được quản lí và sắp xếp thứ tự ưu tiên. Các hạng mục có độ ưu tiên cao hơn nằm ở phía trên của danh sách và sẽ được các developer lựa chọn để đưa vào sản xuất sớm, các hạng mục có độ ưu tiên thấp hơn sẽ nằm ở phía cuối của danh sách và được phát triển muộn hơn. Đây là nguồn công việc duy nhất do Nhóm Scrum đảm nhận.

Product Backlog sẽ không bao giờ kết thúc, nó tồn tại và phát triển theo sự phát triển của sản phẩm đó.

Product Backlog sẽ chứa đựng Product Backlog Items (PBIs). PBIs là  những công việc cần cho product đó bao gồm: Tasks, Bugs, Requirement, Non-functional Requirement, New Feature, Technical Debt, ...

Trong Scrum - Product Backlog như là một "road map".

Những PBIs ở trên đầu Product Backlog thường sẽ được thể hiện chi tiết hơn, rõ ràng hơn, đủ nhỏ, và sẵn sàng để Scrum Team xem xét và lựa chọn cho Sprint tiếp theo ở Sprint Planning.

PBIs chỉ được xem như là hoàn thành khi nó đáp ứng được những yêu cầu của Definition of Done.

Phiên bản Scrum guide 2020: Scrum team cần phải có cam kết (commitment) với  "Product Goal" được thể hiện trong Product Backlog. Product Goal sẽ hiện hữu trong Product Backlog như một mục tiêu dài hạn cho sản phẩm, và Scrum team có trách nhiệm cam kết với sự minh bạch của Product Goal như sự minh bạch của Product Backlog (Ai cũng có thể xem, ai cũng hiểu và nó phải được update liên tục theo thực tế). Ngoài ra Scrum team cam kết luôn hướng đến Product Goal như định hướng xa cho sản phẩm của mình, cho đến khi nó cần phải thay đổi vì thị trường hay nó không còn giá trị nữa.

Product Backlog do ai đảm nhận?

Product Owner là người chịu trách nhiệm quản lý, sắp xếp và bảo trì Product Backlog. Việc này bao gồm xác định nội dung (các hạng mục cần phát triển), đánh giá độ ưu tiên và sắp xếp các hạng mục, làm mịn các hạng mục, làm rõ và giải thích tất cả mọi thắc mắc liên quan đến sản phẩm.

Để có được dự án thành công, cả tổ chức phải tôn trọng các quyết định của Product Owner. Các quyết định đó được hiển thị trong nội dung và thứ tự của Product Backlog. Chỉ có Product Owner được phép yêu cầu Nhóm Phát triển làm các công việc trong Product Backlog.

Product Backlog có thể chứa các hạng mục thuộc các loại như:

  • Tính năng sản phẩm
  • Lỗi
  • Công việc liên quan đến kỹ thuật
  • Công việc nghiên cứu

Làm sao Để triển khai một Product Backlog hiệu quả?

Giải pháp: Product Owner cần áp dụng theo tiêu chuẩn DEEP
DEEP quy định 4 tính chất mà một Product Backlog nên có, bao gồm:

  • Detailed Appropriately (Đủ chi tiết):  Những hạng mục ở phía trên của Product Backlog thì có nhiều chi tiết cụ thể hơn, rõ ràng hơn so với những hạng mục ở dưới.
  • Estimated (Được ước tính): Tất cả các hạng mục Product Backlog đều phải được ước tính, bao gồm cả giá trị thương mại và kích thước (lượng nỗ lực cần thiết để xây dựng). Độ chính xác của việc ước tính các hạng mục ở trên thường là cao hơn so với phần ở dưới
  • Emergent (Tiến hóa): Product Backlog không phải là một danh sách cố định các hạng mục cần phát triển. Nó liên tục được tiến hóa, cập nhật và duy trì trong suốt quá trình phát triển dựa theo những hiểu biết học được.
  • Prioritized (Sắp xếp theo độ ưu tiên): Các hạng mục trong Product Backlog cần được sắp xếp theo độ ưu tiên để tối ưu hóa giá trị của công việc phát triển.Những hạng mục nào cần đưa vào sản xuất sớm sẽ nằm phía trên của Product Backlog.

Vai trò của Product Backlog trong Nhóm Scrum

  • Trình tự của các hạng mục công việc trong Product Backlog thay đổi khi cả nhóm đã hiểu rõ hơn kết quả và xác định được giải pháp. Tính động của một Product Backlog cho phép nhóm có thể liên tục sắp xếp, bổ sung và loại bỏ các công việc để phù hợp với yêu cầu của sản phẩm.
  • Product Backlog là một cách hiệu quả để biết được một nhóm đang làm gì và dự định sẽ làm gì.
  • Product Backlog là nguồn công việc duy nhất cho một nhóm làm việc. Sự xuất hiện của một công việc trong danh sách Product Backlog không có nghĩa là công việc này sẽ được làm. Nó thể hiện một lựa chọn mà nhóm có để mang lại một kết quả cụ thể chứ không phải một cam kết.

Ý nghĩa của Product Backlog

Product Backlog sẽ không bao giờ hoàn chỉnh. Phiên bản sớm nhất của Product Backlog chỉ cho thấy các yêu cầu được tìm hiểu rõ ràng từ lúc đầu tiên. Product Backlog luôn tiến hóa, nó thay đổi thường xuyên để nhận biết những gì mà sản phẩm cần phải có để có tính cạnh tranh và hữu ích.

Product Backlog liệt kê tất cả các tính năng, chức năng, yêu cầu, cải thiện, vá lỗi cần thiết để làm nên sản phẩm trong tương lai.

Trong trường hợp nhiều Nhóm Scrum làm việc với nhau để cùng tạo ra một sản phẩm, họ cần đến Product Backlog chung được dùng để mô tả những công việc sắp tới của sản phẩm. Các hạng mục có thể được nhóm lại theo một tính chất, chức năng nào đó.

Tinh chỉnh Product Backlog là hoạt động liên tục để bổ sung các chi tiết, mô tả phù hợp với sản phẩm.

Như vậy, Product Backlog đóng vai trò quan trọng trong mỗi dự án Agile. Để dự án được thành công, sản phẩm làm ra được đón nhận thì một Product Backlog đúng, đủ và hợp lí sẽ giúp cho dự án đi đúng hướng. Điều này đòi hỏi cả nhóm Scrum cần phải tuân thủ theo các quy tắc và làm việc theo Scrum. Ngoài ra thì người quản lý Product Backlog là Product Owner rất cần là người nhanh nhạy, có tầm nhìn và làm tốt những vai trò của một Product Owner.

Tham khảo:

https://hocvienagile.com/agipedia/product-backlog/

https://www.scrumviet.org/blog/scrum-framework-product-backlog-la-gi