Agile thực sự là gì?

Agile thực sự là gì?

Như anh em đã từng nghe thì thuật ngữ "Agile" trong ngữ cảnh phát triển phần mềm khá nổi tiếng, nhưng các định nghĩa thì lại khác nhau.

Sau một hồi lượn lờ tìm hiểu và tổng hợp lại thì các mô tả phổ biến nhất về Agile sẽ như sau:

  • Agile là một tập hợp các giá trị và nguyên tắc (Agile Manifesto).
  • Agile là một cách phát triển phần mềm nhắc nhở chúng ta rằng, mặc dù máy tính chạy code, nhưng là con người tạo ra và duy trì nó (The Agile Samurai).
  • Agile là sự dũng cảm để thẳng thắn thừa nhận rằng việc xây dựng phần mềm là phức tạp và không thể được lên kế hoạch hoàn hảo do yêu cầu thay đổi liên tục.

Liệu 3 định nghĩa trên có giúp anh em có một cái nhìn rõ ràng về Agile không? :)) Trong thực tế hằng ngày, tôi đọc các tài liệu về Agile, tham khảo từ người có kinh nghiệm, hay thậm chí là tôi đã và đang áp dụng Agile vào công việc, nhưng thực sự là tôi vẫn chưa thể được giải đáp một cách chính xác và thuyết phục. Vậy thì, Agile thực sự là gì?

Tuần trước, trong quá trình học và tìm hiểu kiến thức về Scrum để chuẩn bị thi chứng chỉ PSM, tôi tình cờ tìm được bài blog đã giúp tôi trả lời câu hỏi trên. Một đoạn nội dung bài blog đã nói về 7 nguyên tắc đổi mới liên tục được viết trong cuốn sách "The Leader's Guide to Radical Management" của Steve Denning. Với tôi, 7 nguyên tắc này miêu tả đầy đủ những gì mà Agile đang hướng đến.

Còn 1 điều thú vị nữa tôi nhận được từ bài blog, đó là 1 video đã từ 9 năm trước - "Nordstrom Innovation Lab - Sunglass iPad App Case Study". Nó chỉ vẻn vẹn gần 7 phút, nhưng anh em sẽ thấy cách Nordstrom Innovation Lab tạo ra, thử nghiệm và xây dựng một ứng dụng iPad chỉ trong vòng một tuần. Trong video ngắn này, mọi nguyên tắc được áp dụng vào thực tế. Tất cả đều xoay quanh việc làm hài lòng khách hàng, tổ chức các nhóm tự tổ chức, lặp lại quá trình với sự hướng đến khách hàng và giá trị, minh bạch tuyệt đối, cải tiến liên tục và giao tiếp tương tác.

Nếu anh em muốn hiểu thực sự Agile là gì, hãy làm 3 điều sau:

  1. Nghiên cứu 7 nguyên tắc đổi mới liên tục
  2. Xem video của Nordstrom Innovation Lab
  3. Tìm kiếm sự tương đồng với 7 nguyên tắc và thậm chí liên kết nó với Bản Tuyên ngôn Agile ban đầu.

Khi anh em hoàn thành 3 điều trên, tôi hy vọng nó sẽ giúp anh em trả lời được câu hỏi: Agile thực sự là gì?. Tất nhiên, nếu anh em có thể trải nghiệm nó trong công việc thực tế và cuộc sống hằng ngày thì đó sẽ là điều tuyệt vời ông mặt giời luôn.

Dưới đây là 7 nguyên tắc đổi mới liên tục, tôi xin phép được chia sẻ lại một cách cụ thể hơn.

7 nguyên tắc đổi mới liên tục

1. Delighting Clients - Làm hài lòng khách hàng.

Chú trọng vào việc làm hài lòng khách hàng

  • Tất cả bắt đầu từ việc đặt đúng mục tiêu: mục đích của công việc là làm hài lòng khách hàng, không chỉ đơn thuần là sản xuất hàng hóa hoặc dịch vụ hoặc kiếm tiền.
  • Khi mục tiêu trở thành kiếm tiền cho tổ chức, thì người ta bắt đầu nghĩ đến kiếm tiền cho chính họ, và sự hợp tác và sáng tạo dần trở nên ít quan trọng.
  • Chìa khóa cho tương lai bền vững là có khách hàng sẵn sàng mua hàng hóa và dịch vụ cả hôm nay và ngày mai. Đó không phải là một giao dịch: đó là việc tạo dựng một mối quan hệ.

2. Self-Organizing Teams - Các nhóm tự tổ chức

Thực hiện công việc thông qua nhóm tự tổ chức

  • "Tôi nghĩ rằng đối với những người chưa từng tham gia vào một nhóm tốt, thì khó để hiểu được độ tuyệt vời của nó." - Kristin Arnold.
  • Khi làm việc cùng những người có quan điểm, góc nhìn, cách giải quyết vấn đề khác nhau, chúng ta thường có thể giải quyết các vấn đề mà không thể giải quyết một mình.
  • Một vấn đề phức tạp, như tìm cách làm hài lòng khách hàng, được giải quyết tốt nhất bởi một nhóm người có đa dạng trí tuệ, được giao trách nhiệm giải quyết vấn đề, tự tổ chức và làm việc cùng nhau để giải quyết nó.

3. Client-Driven Iterations - Các vòng lặp dựa trên Khách Hàng

Thực hiện công việc theo các vòng lặp được định hướng bởi khách hàng

  • "Những thứ còn nhỏ là dễ dàng điều khiển." - Lão Tử.
  • Thông qua các vòng lặp dựa trên khách hàng, các tổ chức có thể giữ kho hàng và quá trình sản xuất càng nhỏ càng tốt và tùy chỉnh sản phẩm của mình không chỉ để đáp ứng nhu cầu ban đầu của khách hàng mà còn để điều chỉnh sản phẩm nhằm đáp ứng bất kỳ thay đổi nào trong nhu cầu của khách hàng.
  • Các vòng lặp dựa trên khách hàng cải thiện năng suất cho tổ chức bằng cách tập trung vào những yếu tố thực sự tạo ra giá trị và loại bỏ những công việc không tạo ra giá trị. Chúng cũng giúp loại bỏ thời gian lãng phí trong việc lập kế hoạch và giảm rủi ro bằng cách cung cấp cho quản lý chứng cứ về việc tiến độ thực sự đạt được, thay vì chỉ báo cáo tiến độ không đáng tin cậy.

4. Delivering Value to Clients in Each Iteration - Cung cấp giá trị cho khách hàng trong mỗi vòng lặp.

Cung cấp giá trị cho khách hàng trong mỗi vòng lặp

  • Các vòng lặp dựa trên khách hàng (và Quản lý cấp tiến - Radical Management) ám chỉ một cuộc cách mạng tư duy, một cách khác để nghĩ về công việc. Chìa khóa thành công là cung cấp giá trị cho khách hàng vào cuối mỗi vòng lặp.
  • Một thứ nhỏ được bàn giao sớm có thể khiến khách hàng vui mừng hơn một thứ lớn được bàn giao sau.
  • Trọng tâm chính là hoàn thành với một mức độ chất lượng làm hài lòng khách hàng và cung cấp điều đó sớm hơn.

5. Radical Transparency - Minh bạch triệt để

Hãy hoàn toàn cởi mở về các trở ngại trong việc cải thiện

  • "Sự thật sẽ giải phóng bạn. Nhưng trước tiên, nó sẽ khiến bạn tức giận." - Gloria Steinem.
  • Để đạt được mục tiêu phức tạp của sự hài lòng khách hàng, cần phải hoàn toàn cởi mở về bất kỳ trở ngại nào trong công việc: mọi người phải nói thật với nhau.
  • Quản lý cấp tiến chấp nhận sự tất yếu của thất bại và thiết lập các sắp đặt để học hỏi nhanh chóng từ thất bại và tiến bộ đến thành công.

6. Continuous Self-Improvement - Cải thiện bản thân liên tục

Tạo một bối cảnh cho việc cải thiện bản thân liên tục bởi nhóm

  • Tự cải thiện liên tục là một tập hợp các giá trị và thái độ đã được cấy ghép sâu trong tâm trí và hành động của một người, và tập trung vào việc giải quyết các vấn đề ngay khi chúng xảy ra. Điều này bao gồm việc nhận ra và sửa chữa các sai sót, phát hiện và khắc phục những khó khăn, và cải thiện những điều không tốt để đạt được sự tiến bộ và phát triển bền vững.
  • Tự cải thiện bản thân là một quá trình không ngừng nghỉ và dễ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau. Vì vậy, để duy trì quá trình này, cần phải chăm sóc và chú ý đến nó mỗi ngày, để giữ cho nó luôn phát triển và không bị gián đoạn.
  • Tự cải thiện liên tục là trách nhiệm của quản lý cấp cao.

7. Interactive Communication - Giao tiếp tương tác hai chiều

Dùng cách tương tác để chia sẻ câu chuyện, câu hỏi và cuộc trò chuyện

  • "Tổ chức hiện đại không thể là một tổ chức của 'ông chủ' và 'cấp dưới': nó phải được tổ chức như một đội ngũ của các cộng sự." - Peter Drucker
  • Các quản lý truyền đạt với nhân viên theo cách truyền thống, và quyền lực là đồng tiền của giao tiếp.
  • Quản lý cách mạng truyền đạt như một con người đến con người khác. Thứ tự hành chính vẫn tồn tại nhưng ở phía sau.

Trong bài blog này, tôi đã chia sẻ lại các định nghĩa Agile theo quan điểm của tôi, 7 nguyên tắc đổi mới liên tụcvideo của Nordstrom Innovation Lab để minh hoạ. Tôi hy vọng nó đã giúp anh em hiểu rõ hơn về khái niệm phát triển phần mềm Agile.

Có câu hỏi gì? Vui lòng để lại comment nhé. Cảm ơn anh em đã dành thời gian đọc bài viết này !!!

Nguồn: https://www.scrum.org/resources/blog/so-what-agile-really-about