Tại sao lập trình viên nên viết blog kỹ thuật ?

Start with Why...
Bạn đang là lập trình viên, bạn code 8 đến 10 giờ 1 ngày tại văn phòng, có thêm vài dự án riêng cho sở thích cá nhân, hay có thêm thu nhập, hoặc cái gì đó hay ho mà bạn nghĩ là sẽ thay đổi được cả thế giới. Có bao giờ bạn nghĩ rằng mình nên chia sẻ những hiểu biết kỹ thuật của mình thông qua việc viết blog ?

Lưu ý: Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả

Một số lợi ích khi bạn là lập trình viên và viết blog kỹ thuật.

1. Bạn sẽ được nổi tiếng ?

Không, hầu hết những người viết blog kỹ thuật sẽ không nghĩ như vậy, hoặc ít ra tôi không nghĩ vậy.

2. Bạn sẽ kiếm được nhiều tiền ?

Quay lại với ý tưởng thay đổi thế giới của bạn đi. Tôi nghĩ là sẽ kiếm tiền được nhanh hơn là việc trông chờ vào việc viết blog.

Đối với tôi... Lập trình viên nên viết blog kỹ thuật bởi vì...

1.Luyện được khả năng giải thích các vấn đề.

Giống như viết nhật ký...

Viết và biểu đạt các vấn đề kỹ thuật sẽ giúp bạn phải suy nghĩ làm sao người đọc có thể hiểu được điều bạn viết. Và tất nhiên là những bài đầu có thể bạn sẽ nhận được nhiều comment rằng "Tôi chẳng hiểu bạn viết điều gì?", nhưng chính từ những comment đó bạn sẽ có thể rút ra kinh nghiệm để viết tốt hơn cho những lần sau.

Kỹ năng giao tiếp (hay hẹp hơn là biểu đạt và giải thích các vấn đề) sẽ giúp ích bạn rất nhiều trong việc Teamwork, giải thích cho đồng nghiệp của bạn hiểu được vấn đề bạn đang gặp phải hoặc giúp đỡ đồng nghiệp của bạn đều cần kỹ năng đầu tiên là giao tiếp, hay nói một cách hẹp hơn, là khả năng giải thích được vấn đề cho người khác hiểu.

Update của năm 2021: với tình hình nCov như hiện nay, rất nhiều tổ chức đã chuyển sang chế độ làm việc từ xa, khi phải làm việc từ xa thường kỹ năng viết sẽ càng ngày càng quan trọng hơn vì sẽ có ít các cuộc họp hơn và mọi người giao tiếp nhiều hơn với nhau qua chat, comment, hay email nhiều hơn.
Zapier một công ty công nghệ 200 người làm việc từ xa với nhân viên từ 20 quốc gia với nhiều múi giờ khác nhau đã đưa ra một kinh nghiệm là họ chỉ tuyển những lập trình viên có khả năng viết để có thể làm việc từ xa hiệu quả.

2. Hiểu rõ hơn những vấn đề bạn gặp phải bằng cách học sâu (Deep Learning)

Bằng cách viết để người khác hiểu, bạn sẽ phải nghiền ngẫm lại các vấn đề bạn đã gặp, bạn đã giải quyết. Nếu bạn chỉ làm và thấy các giải pháp của bạn thành công, bạn có thể chỉ mới hiểu được khoảng 75% vấn đề.
Bằng việc phải cố giải thích cho người đọc hiểu, bạn sẽ phải trả lời rất nhiều câu hỏi "tại sao?", "như thế nào?", giúp cho những phần tri thức mà bạn còn mù mờ sẽ được sáng tỏ, bạn sẽ hiểu được 90% vấn đề.

Số liệu này được tham khảo từ learning pyramid bên dưới, là một nghiên cứu từ National Training Laboratories của Mỹ:

3. Giao lưu và học hỏi từ những lập trình viên khác

Bạn viết blog, chia sẻ cho những người khác đọc, bạn sẽ nhận được cả những phản hồi tích cực và tiêu cực, tất nhiên hãy chọn lựa và hoàn thiện chính bạn.

Đôi khi bạn viết lên giải pháp của mình, nhưng có ai đó sẽ cho bạn những giải pháp hay ho hơn, và bạn học được giải pháp hay từ người khác.

4. Cẩm nang tra cứu của chính bạn.

Bạn có thể quên một giải pháp nào đó mà bạn đã từng giải quyết trong quá khứ.
Sẽ tiết kiệm thời gian cho bạn rất nhiều, nếu như bạn dùng blog của mình giống như 1 cuốn sổ ghi chép, bạn có thể lật giở lại blog của chính mình và giải quyết các vấn đề một cách nhanh chóng và đơn giản hơn.
Hoặc đơn giản hơn, là khi bạn dùng blog của chính mình để ghi chép lại những câu lệnh khó nhớ chẳng hạn.

5. Giúp được ai đó

Bằng cách chia sẻ những hiểu biết của bạn, bạn có thể giúp được ai đó đang gặp phải vấn đề của bạn. Bạn cũng sẽ cảm thấy vui hơn khi nhận được comment cám ơn từ người lạ.

Và hơn thế nữa, khi bạn giúp được ai đó, thì 1 ngày nào đó bạn cũng sẽ nhận được sự giúp đỡ từ người khác.

Làm thế nào để bắt đầu viết blog kỹ thuật?

Có những bạn nói với tôi:
"Em chẳng biết viết gì cả ?"

hay
"Em thấy em chưa đủ năng lực kỹ thuật để viết vì những cái đó người khác viết rồi."

vậy nên để bắt đầu bạn cần thay đổi suy nghĩ của mình.

Đặt mục tiêu thấp nhất có thể

Đừng đặt mục tiêu cao cho những bài blog đầu tiên của mình. Đối với tôi:

  • Không ai có thể làm một việc gì đó hoàn hảo ngay từ đầu
  • Hoàn thành thì tốt hơn là hoàn hảo (Done is better than perfect)
  • **Hãy cải tiến liên tục:**tức là bạn hoàn thành một bài viết, bạn thấy có vấn đề gì đó không ổn, hãy cập nhật thêm bài viết của mình, hoặc hãy thử cải thiện điều đó trong bài viết sau của mình, như thế bạn sẽ tích luỹ dần dần kinh nghiệm và kỹ năng viết của mình.

Đừng đặt mục tiêu kiểu như:

  • Tôi phải viết 1 bài blog đầy đủ và chi tiết về vấn đề ABC
  • Tôi phải viết mỗi ngày 1 bài blog.

mà hãy đặt mục tiêu đơn giản:

  • Tôi viết 1 bài blog đầu tiên về 1 vấn đề tôi vừa gặp trong ngày hôm nay.
  • Tôi sẽ thử việt 1 bài blog cực kỳ ngắn để mô tả vấn đề tôi vừa gặp .

Và bạn có thể bắt đầu viết nó, 1 bài ngắn thôi, có thể chỉ là 1 vấn đề đơn giản như:

  • việc bạn có thể cài đặt cho editor của mình tự động indent 4 ký tự về indent 2 ký tự.

Hay đơn giản là:

  • bạn ghi lại việc bạn biết cách format 1 cell trên Google Sheet.

Viết về thứ đơn giản và tốn ít thời gian của bạn nhất có thể, để ít ra bạn có thể hoàn thành được 1 bài blog giúp bạn đạt được 1 thắng lợi ngắn hạn cho việc thiết lập thói quen của mình, để bạn có cảm hứng tiếp tục những bài tiếp theo.

Suy nghĩ: Viết blog cho bạn không phải cho độc giả của bạn.

Nghe thì có vẻ hơi mâu thuẫn, vì viết blog là để chia sẻ cho người khác đọc.
Nhưng bạn nên hiểu độc giả đầu tiên cho blog của bạn là chính bạn. Hãy phục vụ mình trước rồi sau đó khi bạn quen với việc viết blog rồi thì đừng quên rút kinh nghiệm và cải tiến để có nhiều độc giả hơn.

Cũng đừng lo lắng về việc mình "viết không hay bị chê cười", vì bạn không phải là trung tâm của thế giới, người đọc sẽ không có thời gian để quan tâm tới bạn. Những người quan tâm tới bạn họ sẽ góp ý chân thành với bạn, chứ không chê cười bạn.

Đừng lo lắng vì bạn đã viết cái mà đã có đầy rẫy trên internet. Vì độc giả đầu tiên của blog là chính bạn, hãy phục vụ mình trước đã. Ở đâu có không quan trọng, quan trọng là bạn cảm thấy mình cần ghi lại để phục vụ chính mình.

Bắt tay vào viết

Tất nhiên, bạn phải bắt tay vào viết thử 1 bài, ngắn thôi, đơn giản thôi, và hãy tận hưởng cảm xúc sau khi hoàn thành 1 bài blog của chính mình. Dùng cảm xúc đó làm động lực cho những bài tiếp theo...

Làm thế nào để viết blog hay hơn ?

  • Hãy học hỏi cách viết từ những bài blog của người khác, để ý tới cách diễn giải vấn đề của họ.
  • Hỏi độc giả hay bạn bè đã từng đọc blog của bạn. Hỏi họ về 1 bài blog cụ thể và rút kinh nghiệm cho chính mình.
  • Hãy viết blog theo nhóm, thay vì viết 1 mình. Vì bạn sẽ có động lực để viết bài hơn khi thấy bạn bè mình viết, có người đi cùng, bạn sẽ giữ được thói quen tốt của mình. Nếu bạn muốn viết blog về kỹ thuật và đang đọc bài này, bạn có thể liên hệ với chúng tôi bằng cách comment ở bên dưới để có thể đăng bài viết kỹ thuật của bạn lên blog của Haposoft và tham gia trao đổi kỹ thuật với chúng tôi.

Lời cuối:

  • Hãy tranh thủ viết khi còn có thể.
  • Nếu bạn đã có blog kỹ thuật, hãy chia sẻ với chúng tôi bằng cách comment link blog kỹ thuật của bạn ở bên dưới để truyền cảm hứng cho những bạn khác.
  • Chúc các bạn có những bài blog kỹ thuật làm hài lòng chính bạn.